0

Dấu hiệu nhận biết rối loạn nhân cách chống đối xã hội | Safe and Sound

Theo chuyên gia tâm lý, rối loạn nhân cách chống đối xã hội (Antisocial Personality Disorder - ASPD) thuộc nhóm B (cảm xúc và bốc đồng) của rối loạn nhân cách. Rối loạn này được đặc trưng bởi thái độ hung hăng, lãnh đạm, không quan tâm đến quyền lợi của người khác và hậu quả những việc làm của bản thân.

Nguyễn Thị Hồng Hạnh | Bác sĩ - Viện tâm lý và sức khỏe tinh thần SnS

Trung tâm Nghiên cứu Sức khỏe Cộng đồng và Phát triển

1. Định nghĩa rối loạn nhân cách chống đối xã hội

Rối loạn nhân cách chống đối xã hội được chuyên gia tâm lý định nghĩa là trạng thái bất thường của nhân cách đặc trưng bởi việc coi thường, không quan tâm đến các quy tắc đạo đức, pháp luật dẫn đến những hành vi lừa dối, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi và sức khỏe của người khác.

Theo chuyên gia tâm lý, rối loạn nhân cách chống đối xã hội là một bệnh lý phức tạp. Rối loạn nhân cách chống đối xã hội được chẩn đoán ở người từ 18 tuổi trở lên. Với người dưới độ tuổi này, các biểu hiện coi thường quy tắc, có các hành vi hung hăng, lừa dối để đạt được lợi ích bất kể xâm phạm đến người khác được chẩn đoán là rối loạn hành vi.

Những người bị rối loạn nhân cách chống đối xã hội thường có một số triệu chứng như:

  • Thao túng, bóc lột hoặc vi phạm quyền lợi của người khác.
  • Họ thấy người khác thật dễ bị tổn thương và có thể đe doạ hay bắt nạt những người này mà không hề thấy chút ăn năn. Theo chuyên gia tâm lý, họ có thể gây gổ, thậm chí bạo lực.
  • Hành vi của họ thường có tính chất tội phạm; họ nói dối và ăn cắp, sử dụng nhiều bí danh để đánh lừa người khác.
  • Họ bất chấp sự an toàn của bản thân và người khác.
  • Họ luôn vô trách nhiệm và bốc đồng, không màng đến hậu quả hành động của mình.
  • Họ đổ lỗi cho người khác về những vấn đề mà họ gặp phải.
  • Các chuyên gia tâm lý cho biết, rối loạn này trở nên hiển nhiên vào giai đoạn cuối của thời niên thiếu và thường mất dần vào tuổi trung niên.

Ảnh 1: Rối loạn nhân cách chống đối xã hội được đặc trưng bởi sự chống đối các chuẩn mực xã hội

Không phải dấu hiệu nhận biết của mọi người bệnh đều giống nhau. Các chuyên gia tâm lý cho biết, có 4 dạng rối loạn nhân cách chống đối xã hội, đó là:

  • Dạng lừa gạt và nói dối (cheated or aggressive type): Họ luôn cảm thấy bản thân bị đối xử không công bằng, bị lừa dối. Do vậy, họ dễ dàng quay lưng với những người xung quanh, chống đối cả thế giới.
  • Dạng thù hận (hostile type): Một số biểu hiện đặc trưng như bạo lực, bốc đồng, tức giận và luôn trong tâm thế sẵn sàng chiến đấu.
  • Dạng thiếu cảm thông (disempathetic type): Là tình trạng đặc biệt quan tâm, chăm sóc những người thân trong khi lại vô cảm, lãnh đạm với những người xung quanh, thậm chí xem họ là công cụ phục vụ mục đích cá nhân.
  • Dạng bất hoà (disaffiliated type): Các chuyên gia tâm lý cho biết, đây là dạng rối loạn nhân cách chống đối xã hội phổ biến nhất. Những người bị bệnh mất dần sự kết nối với thế giới xung quanh. Thậm chí, họ có thể hoàn toàn sống tách biệt khỏi cộng đồng.

2. Tiêu chuẩn rối loạn nhân cách chống đối xã hội theo DSM-5

Ảnh 2: Người bị rối loạn nhân cách chống đối xã hội dễ nóng giận, bốc đồng

Các chuyên gia tâm lý đưa ra 4 tiêu chuẩn chẩn đoán người bệnh mắc rối loạn nhân cách chống đối xã hội gồm:

A. Xem thường lẽ phải và vi phạm các quy định một cách bền vững, xuất hiện từ tuổi 15, có 3 (hoặc hơn) các biểu hiện sau:

  1. Thất bại trong việc hoà nhập hoạt động xã hội bình thường với nhiều hành vi phạm pháp dẫn đến bị bắt giữ.
  2. Lừa đảo, nói dối thường xuyên, sử dụng các tên giả hoặc bẫy người khác với mục đích trục lợi hoặc giải trí.
  3. Bốc đồng hoặc thất bại trong thực hiện các kế hoạch đề ra trước đó.
  4. Dễ nổi cáu và kích động dẫn đến đánh nhau hoặc hành hạ người khác.
  5. Không quan tâm lo lắng đến sự an toàn của bản thân và của người khác.
  6. Vô trách nhiệm thể hiện trong công việc và không tuân thủ nghĩa vụ tài chính.
  7. Không ân hận thể hiện bằng sự vô cảm trước các sự đau đớn, ngược đãi hoặc bị mất trộm của người khác.

B. Người bệnh phải từ 18 tuổi trở lên.

C. Có bằng chứng rối loạn hành vi đạo đức khởi phát trước tuổi 15.

D. Hành vi chống đối xã hội không phải do tâm thần phân liệt hoặc giai đoạn hưng cảm gây ra.

: Dấu hiệu nhận biết rối loạn nhân cách chống đối xã hội | Safe and Sound

Đăng ký nhận tư vấn ngay

Nhận tư vấn về sức khoẻ tinh thần từ Safe and Sound